"Bức điện dài" Lí giải hành vi Liên Xô

Khuya ngày 22 tháng 2 năm 1946, Kennan đọc cho thư ký ghi bức điện rồi đem đến phòng điện báo đánh điện về Hoa Kỳ.[12][13] Bức điện là bức điện báo dài nhất trong lịch sử Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, khoảng 5.000 từ, được mệnh danh là "bức điện dài".[14][note 2]

Bức điện báo gồm năm phần về lịch sử, đặc điểm, triển vọng của Liên Xô và tác động đối với Hoa Kỳ.[15] Mở đầu bức điện, Kennan xin lỗi về độ dài nhưng giải thích là cần thiết để trả lời tất cả các mối lo ngại bấy giờ. Đầu tiên, bức điện trình bày thế giới quan của Liên Xô là phân cực thế giới thành hai phe tư bản và xã hội chủ nghĩa.[16] Liên Xô cho rằng liên minh giữa Hoa Kỳ và Anh trước sau sẽ thất bại[17] mà hậu quả là hai nước hoặc đánh nhau hoặc cùng tuyên chiến với Liên Xô. Chính sách của Liên Xô là chờ thời, âm thầm xây dựng lực lượng và lợi dụng thiên hướng xung đột với nhau của các nước tư bản. Kennan bác bỏ quan điểm của Liên Xô, các nước tư bản không thất bại và cũng không gây chiến với nhau,[18] đặc biệt nhận định Hoa Kỳ và Anh sẽ cố ý gây chiến với Liên Xô là "hoàn toàn vô lý".[19]

Chính sách Liên Xô sẽ chịu sự chi phối của nhu cầu tự chủ kinh tế cho Liên Xô và những khu vực lân cận thuộc ảnh hưởng của Liên Xô. ... [Khả năng cao là Liên Xô sẽ] tỏ ra lãnh đạm  ... đối với nguyên tắc hợp tác kinh tế quốc tế.[10]

George F. Kennan, "bức điện dài"

Sở dĩ giới lãnh đạo Liên Xô có những kết luận vô lý này[19] là vì "cơ sở của thế giới quan Liên Xô là một thứ bản năng bất an vốn có của dân tộc Nga". Bức điện nhận xét, quyền lực của những chính quyền Nga trước "về hình thức thì lỗi thời, về nền tảng thì mong manh và không tự nhiên, không thể nào sánh với các nước phương Tây". Các điều kiện lịch sử của Nga kết hợp với chủ nghĩa Marx – Lenin tạo thành một sự cứng nhắc trong đường lối xử trí với phương Tây;[19] thế giới phải thù địch thì giới lãnh đạo Liên Xô mới có cái cớ "để áp đặt một chế độ độc tài, để làm những việc tàn bạo, để yêu cầu người dân hy sinh".[20] Phương Tây không thể kỳ vọng Liên Xô hành xử có đi có lại trừ phi Liên Xô thất bại liên tục hoặc giới lãnh đạo nhận thấy chính mình đang làm hại quyền lợi của Liên Xô.[20]

Về cơ bản thì chính quyền Liên Xô có hai chính sách: một chính sách công khai và một chính sách bí mật. Công khai thì Liên Xô tham gia hoạt động quốc tế nhưng bí mật thì Liên Xô sẽ phá hoại các nước tư bản, bao gồm "đánh vào lòng tự tôn dân tộc, làm suy yếu quốc phòng, gây bất ổn xã hội và công nghiệp, kích động mất đoàn kết".[19] Bức điện nhận định, Liên Xô không trông mong hòa giải với phương Tây.[8]

Kết luận, bức điện không đưa ra những chính sách cụ thể mà vạch ra những đường lối chung như kiên trì sự tự tin trong việc ngoại giao với Liên Xô. Mối nguy Liên Xô cần "sự xử lý thấu đáo như những vấn đề chiến lược quan trọng trong chiến tranh mà một kinh phí thích đáng trong việc lên kế hoạch nếu cần thiết".[21] So với Đức Quốc Xã thì Liên Xô kiên nhẫn hơn, thận trọng hơn nhưng cũng yếu hơn phương Tây, không có quy trình chọn lãnh đạo, phải quản lý quá nhiều lãnh thổ, không được nhân dân ủng hộ và quá phụ thuộc vào tuyên truyền, nên bức điện chủ trương "chúng ta có thể tiếp cận vấn đề Nga một cách bình tĩnh, lạc quan".[21]

Bức điện nhấn mạnh phải tuyên truyền cho nhân dân Mỹ về mối nguy của cộng sản.[21] Phải giữ vững xã hội thì mới ngăn được chủ nghĩa cộng sản bành trướng.[21] Kennan viết rằng "mối nguy lớn nhất của việc đối phó với cộng sản Liên Xô là vô hình trung để bản thân trở thành cộng sản Liên Xô".[22]